Tư vấn doanh nghiệp; Tư vấn sở hữu trí tuệ; Trang tụng thu hồi nợ; Bất động sản; tranh tụng dân sự; Tư vấn thuế, tài chính;...
Luật Sở hữu trí tuệ - Phần 5 - Chương XVIII: Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính và hình sự; kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ
XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ BẰNG BIỆN PHÁP
HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH SỰ, KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU,
NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Mục 1
XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH SỰ
Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính
1. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt hành chính:
a) Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
d) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt các hành vi đó.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Điều 212. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự
Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Điều 213. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ
1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
3. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
Điều 214. Các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ;
b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.
4. Mức tiền phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được.
Chính phủ quy định cụ thể cách xác định giá trị hàng hóa vi phạm.
Điều 215. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính
1. Trong các trường hợp sau đây, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính quy định tại khoản 2 Điều này:
a) Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Tang vật vi phạm có nguy cơ bị tẩu tán hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm;
c) Nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
2. Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính được áp dụng theo thủ tục hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
a) Tạm giữ người;
b) Tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm;
c) Khám người;
d) Khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ;
đ) Các biện pháp ngăn chặn hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Mục 2
KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Điều 216. Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ
1. Các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm:
a) Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
2. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.
3. Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo đề nghị của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan.
4. Trong quá trình thực hiện biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, nếu phát hiện hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật này thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật này.
Điều 217. Nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ
1. Người yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng các tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật này;
b) Cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
c) Nộp đơn cho cơ quan hải quan và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
d) Bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh cho người bị áp dụng biện pháp kiểm soát trong trường hợp hàng hoá bị kiểm soát không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
2. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, người yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Khoản tiền bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị lô hàng đó;
b) Chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác.
Điều 218. Thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan
1. Khi người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 217 của Luật này thì cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng.
2. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là mười ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không được quá hai mươi ngày làm việc với điều kiện người yêu cầu tạm dừng thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 217 của Luật này.
3. Khi kết thúc thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với người xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng thì cơ quan hải quan có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng;
b) Buộc người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải bồi thường cho chủ lô hàng toàn bộ thiệt hại do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra và phải thanh toán các chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh khác cho cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật về hải quan;
c) Hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khoản tiền bảo đảm còn lại sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và thanh toán các chi phí quy định tại điểm b khoản này.
Điều 219. Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Trong trường hợp chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có đề nghị kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì khi phát hiện lô hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho người đó. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày được thông báo, nếu người đề nghị không yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị phát hiện và cơ quan hải quan không quyết định xem xét việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật này thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng
-------------------------------------------------------------------------
Tên văn bản: Luật Sở hữu trí tuệ - Luật 50/2005/QH11
Số hiệu: 50/2005/QH11
Ngày ban hành: 29/11/2005
Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/07/2006. Hết hiệu lực một phần .
Phần hết hiệu lực: Thay cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 11, điểm a khoản 2 Điều 50, khoản 4 Điều 51
Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
Người ký: Nguyễn Văn An - Chủ tịch Quốc hội
Tài file văn bản toàn văn Luật Sở hữu trí tuệ - Luật 50/2005/QH11