Luật Sở hữu trí tuệ - Phần 2 - Chương II: Nội dung, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

    Chương II

    NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN, THỜI HẠN BẢO HỘ

    QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

    Mục 1

    NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN,

    THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

    Điều 18. Quyền tác giả

    Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

    Điều 19. Quyền nhân thân

    Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

    1. Đặt tên cho tác phẩm;

    2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

    3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

    4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

    Điều 20. Quyền tài sản

    1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

    a) Làm tác phẩm phái sinh;

    b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

    c) Sao chép tác phẩm;

    d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

    đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

    e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

    2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

    3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

    Điều 21. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu

    1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thoả thuận.

    Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thoả thuận.

    2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

    3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thoả thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

    1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

    Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

    2. Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác.

    Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó.

    Điều 23. Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

    1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm:

    a) Truyện, thơ, câu đố;

    b) Điệu hát, làn điệu âm nhạc;

    c) Điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi;

    d) Sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.

    2. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.

    Điều 24. Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học

    Việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này do Chính phủ quy định cụ thể.

    Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

    1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

    a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

    b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

    c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

    d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

    đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

    e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

    g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

    h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

    i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

    k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

    2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

    3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.

    Điều 26. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

    1. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ.

    2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

    3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.

    Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

    1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

    2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

    a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

    b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

    c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

    Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

    1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

    2. Mạo danh tác giả.

    3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

    4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

    5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

    6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

    7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

    8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

    9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

    10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

    11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

    12. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

    13. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

    14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

    15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

    16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

    Mục 2

    NỘI DUNG, GIỚI HẠN QUYỀN,

    THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN LIÊN QUAN

    Điều 29. Quyền của người biểu diễn

    1. Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.

    2. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

    a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;

    b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

    3. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

    a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;

    b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;

    c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;

    d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

    4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.

    Điều 30. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình

    1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

    a) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;

    b) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

    2. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.

    Điều 31. Quyền của tổ chức phát sóng

    1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

    a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;

    b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;

    c) Định hình chương trình phát sóng của mình;

    d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.

    2. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.

    Điều 32. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

    1. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

    a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân;

    b) Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy;

    c) Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin;

    d) Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.

    2. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

    Điều 33. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

    1. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền liên quan trong các trường hợp sau đây không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng:

    a) Sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

    b) Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại.

    2. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

    Điều 34. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan

    1. Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.

    2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.

    3. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.

    4. Thời hạn bảo hộ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.

    Điều 35. Hành vi xâm phạm các quyền liên quan

    1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

    2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

    3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

    4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

    5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

    6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

    7. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.

    8. Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

    9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

    10. Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

    -------------------------------------------------------------------------
    Tên văn bản: Luật Sở hữu trí tuệ - Luật 50/2005/QH11
    Số hiệu: 50/2005/QH11
    Ngày ban hành: 29/11/2005
    Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/07/2006. Hết hiệu lực một phần .
    Phần hết hiệu lực: Thay cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” bằng cụm từ “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 11, điểm a khoản 2 Điều 50, khoản 4 Điều 51
    Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
    Người ký: Nguyễn Văn An - Chủ tịch Quốc hội

    Trở về

    Văn phòng luật sư

    2

    Văn phòng luật sư Tân Hà

    Tư vấn đầu tư; Tư vấn thuế, tài chính; Tư vấn hợp đồng; Tư vấn lao động; Tư vấn thu hồi công nợ;...

    4

    Văn phòng Luật sư Leadco

    Luật sư doanh nghiệp; Tư vấn Hợp đồng; Mua bán & Sát nhập; Tài chính - Ngân hàng; Hàng không, Bảo hiểm, Viễn Thông,...

    5

    Công ty Luật VIKO & Cộng sự

    Tư vấn đất đai, bất động sản; Thành lập doanh nghiệp; Soạn thảo hợp đồng; Tư vấn thuế; Tư vấn, lập dự án đầu tư,... 

    6

    Công ty Luật Khai Phong

    Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn dự án đầu tư nước ngoài, Tư vấn về khai khoáng, năng lượng, viễn thông,...

    7

    Công Ty Luật Hoàng Minh

    Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn thuế, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn chứng khoán, tài chính, ngân hàng...

    8

    Công ty Luật SPVN

    Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ kế toán doanh nghiệp,...

    10

    Văn Phòng Luật Sư Trường Giang

    Tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn pháp luật dân sự ( di chúc, hôn nhân,...)
    Trưởng Văn Phòng : Luật sư. Thạc sĩ luật Lê Đăng Tùng

    11

    Văn phòng luật sư Việt An

    Tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật dân sự, tư vấn thuế,...

    12

    Công Ty Luật VLG

    Tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn hợp đồng và kinh doanh quốc tế, tư vấn sở hữu trí tuệ,...
    Giám đốc kiêm Luật sư điều hành: Vũ Trọng Hưng