Luật cạnh tranh - Chương II: Kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh

    CHƯƠNG II
    KIỂM SOÁT HÀNH VI HẠN CHẾ CẠNH TRANH

    MỤC 1
    THOẢ THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH

    Điều 8. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh

    Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:

    1. Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;

    2. Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;

    3. Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;

    4. Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

    5. Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

    6. Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

    7. Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;

    8. Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

    Điều 9. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

    1. Cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 8 của Luật này.

    2. Cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 của Luật này khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

    Điều 10. Trường hợp miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

    1. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này được miễn trừ có thời hạn nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây nhằm hạ giá thành, có lợi cho người tiêu dùng:

    a) Hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh;

    b) Thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ;

    c) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;

    d) Thống nhất các điều kiện kinh doanh, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá;

    đ) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa;

    e) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

    2. Trình tự, thủ tục, thời hạn miễn trừ được thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương này.

    MỤC 2
    LẠM DỤNG VỊ TRÍ THỐNG LĨNH THỊ TRƯỜNG,
    LẠM DỤNG VỊ TRÍ ĐỘC QUYỀN

    Điều 11. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường

    1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

    2. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

    b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

    c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.

    Điều 12. Doanh nghiệp có vị trí độc quyền

    Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

    Điều 13. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm

    Cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây:

    1. Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh;

    2. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng;

    3. Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng;

    4. Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh;

    5. Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

    6. Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới.

    Điều 14. Các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm

    Cấm doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện hành vi sau đây:

    1. Các hành vi quy định tại Điều 13 của Luật này;

    2. Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng;

    3. Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng.

    Điều 15. Kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích

    1. Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp sau đây:

    a) Quyết định giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;

    b) Quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước.

    2. Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích bằng các biện pháp đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định.

    3. Khi thực hiện các hoạt động kinh doanh khác ngoài lĩnh vực độc quyền nhà nước và sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, các doanh nghiệp không chịu sự điều chỉnh của quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của các quy định khác của Luật này.

    MỤC 3
    TẬP TRUNG KINH TẾ

    Điều 16. Tập trung kinh tế

    Tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm:

    1. Sáp nhập doanh nghiệp;

    2. Hợp nhất doanh nghiệp;

    3. Mua lại doanh nghiệp;

    4. Liên doanh giữa các doanh nghiệp;

    5. Các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

    Điều 17. Sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp và liên doanh giữa các doanh nghiệp

    1. Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

    2. Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

    3. Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

    4. Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

    Điều 18. Trường hợp tập trung kinh tế bị cấm

    Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

    Điều 19. Trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm

    Tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 của Luật này có thể được xem xét miễn trừ trong các trường hợp sau đây:

    1. Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản;

    2. Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

    Điều 20. Thông báo việc tập trung kinh tế

    1. Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

    Trường hợp thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thấp hơn 30% trên thị trường liên quan hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì không phải thông báo.

    2. Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế được hưởng miễn trừ quy định tại Điều 19 của Luật này nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ theo quy định tại Mục 4 Chương này thay cho thông báo việc tập trung kinh tế.

    Điều 21. Hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế

    1. Hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế bao gồm:

    a) Văn bản thông báo việc tập trung kinh tế theo mẫu do cơ quan quản lý cạnh tranh quy định;

    b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

    c) Báo cáo tài chính trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;

    d) Danh sách các đơn vị phụ thuộc của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

    đ) Danh sách các loại hàng hoá, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp đó đang kinh doanh;

    e) Báo cáo thị phần trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan.

    2. Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ.

    Điều 22. Thụ lý hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế

    Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ về tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm chỉ rõ những nội dung cần bổ sung.

    Điều 23. Thời hạn trả lời thông báo tập trung kinh tế

    1. Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ. Văn bản trả lời của cơ quan quản lý cạnh tranh phải xác định tập trung kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Tập trung kinh tế không thuộc trường hợp bị cấm;

    b) Tập trung kinh tế bị cấm theo quy định tại Điều 18 của Luật này; lý do cấm phải được nêu rõ trong văn bản trả lời.

    2. Trường hợp việc tập trung kinh tế có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn trả lời quy định tại khoản 1 Điều này có thể được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá ba mươi ngày và phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ chậm nhất là ba ngày làm việc trước ngày hết hạn trả lời thông báo, nêu rõ lý do của việc gia hạn.

    Điều 24. Thực hiện tập trung kinh tế

    Đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thuộc diện phải thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này chỉ được làm thủ tục tập trung kinh tế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp sau khi được cơ quan quản lý cạnh tranh trả lời bằng văn bản về việc tập trung kinh tế không thuộc trường hợp bị cấm.

    MỤC 4
    THỦ TỤC THỰC HIỆN CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRỪ

    Điều 25. Thẩm quyền quyết định việc miễn trừ

    1. Bộ trưởng Bộ Thương mại xem xét, quyết định việc miễn trừ bằng văn bản quy định tại Điều 10 và khoản 1 Điều 19 của Luật này.

    2. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc miễn trừ bằng văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này.

    Điều 26. Đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ

    Đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ là các bên dự định tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế.

    Điều 27. Đại diện hợp pháp của các bên tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế

    1. Các bên tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế có thể cử một đại diện làm thủ tục đề nghị hưởng miễn trừ. Việc cử đại diện phải được lập thành văn bản có xác nhận của các bên.

    2. Quyền và nghĩa vụ của bên đại diện do các bên thoả thuận quy định.

    3. Các bên chịu trách nhiệm về hành vi của bên đại diện trong phạm vi uỷ quyền.

    Điều 28. Hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh

    1. Hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:

    a) Đơn theo mẫu của cơ quan quản lý cạnh tranh;

    b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh và Điều lệ của hiệp hội đối với trường hợp thoả thuận hạn chế cạnh tranh có sự tham gia của hiệp hội;

    c) Báo cáo tài chính trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;

    d) Báo cáo thị phần trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh trên thị trường liên quan;

    đ) Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng các trường hợp được hưởng miễn trừ quy định tại Điều 10 của Luật này;

    e) Văn bản uỷ quyền của các bên tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh cho bên đại diện.

    2. Bên nộp hồ sơ và các bên tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ.

    Điều 29. Hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế

    1. Hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế bao gồm:

    a) Đơn theo mẫu của cơ quan quản lý cạnh tranh;

    b) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

    c) Báo cáo tài chính trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;

    d) Báo cáo thị phần trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;

    đ) Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng các trường hợp được hưởng miễn trừ theo quy định tại Điều 19 của Luật này;

    e) Văn bản uỷ quyền của các bên tham gia tập trung kinh tế cho bên đại diện.

    2. Bên nộp hồ sơ và các bên tham gia tập trung kinh tế chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ.

    Điều 30. Thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ

    1. Cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm chỉ rõ những nội dung cần bổ sung.

    3. Bên nộp hồ sơ phải nộp lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ theo quy định của pháp luật.

    Điều 31. Yêu cầu bổ sung hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ

    Cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền yêu cầu bên nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ bổ sung tài liệu, thông tin cần thiết khác liên quan đến dự định thực hiện thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế và giải trình thêm những vấn đề chưa rõ ràng.

    Điều 32. Cung cấp thông tin từ các bên liên quan

    1. Cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế đang được cơ quan quản lý cạnh tranh thụ lý.

    2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý cạnh tranh, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề được yêu cầu.

    Điều 33. Rút đề nghị hưởng miễn trừ

    1. Trường hợp muốn rút đề nghị hưởng miễn trừ, bên đã nộp hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý cạnh tranh.

    2. Cơ quan quản lý cạnh tranh không hoàn lại lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 34. Thời hạn ra quyết định

    1. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra một trong các quyết định sau đây:

    a) Chấp thuận các bên được hưởng miễn trừ;

    b) Không chấp thuận các bên được hưởng miễn trừ.

    2. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn ra quyết định quy định tại khoản 1 Điều này có thể được Bộ trưởng Bộ Thương mại gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá ba mươi ngày.

    3. Trường hợp tập trung kinh tế thuộc thẩm quyền cho hưởng miễn trừ của Thủ tướng Chính phủ, thời hạn ra quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận cho hưởng miễn trừ là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định là một trăm tám mươi ngày.

    4. Trường hợp kéo dài thời hạn ra quyết định, cơ quan quản lý cạnh tranh thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ chậm nhất là ba ngày làm việc, trước ngày hết hạn ra quyết định và nêu rõ lý do.

    Điều 35. Quyết định cho hưởng miễn trừ

    1. Quyết định cho hưởng miễn trừ phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

    a) Tên, địa chỉ của các bên được chấp thuận thực hiện hành vi;

    b) Nội dung của hành vi được thực hiện;

    c) Thời hạn được hưởng miễn trừ, điều kiện và nghĩa vụ của các bên.

    2. Cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo công khai quyết định cho hưởng miễn trừ theo quy định của Chính phủ.

    Điều 36. Thực hiện thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế đối với các trường hợp được hưởng miễn trừ

    1. Các bên tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh được hưởng miễn trừ chỉ được thực hiện thoả thuận hạn chế cạnh tranh sau khi có quyết định cho hưởng miễn trừ của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

    2. Đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế được hưởng miễn trừ chỉ được làm thủ tục tập trung kinh tế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp sau khi có quyết định cho hưởng miễn trừ của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Thương mại.

    Điều 37. Bãi bỏ quyết định cho hưởng miễn trừ

    1. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cho hưởng miễn trừ có quyền bãi bỏ quyết định cho hưởng miễn trừ.

    2. Việc bãi bỏ quyết định cho hưởng miễn trừ được thực hiện trong những trường hợp sau đây:

    a) Phát hiện có sự gian dối trong việc đề nghị hưởng miễn trừ;

    b) Doanh nghiệp được hưởng miễn trừ không thực hiện các điều kiện, nghĩa vụ trong thời hạn quy định tại quyết định cho hưởng miễn trừ;

    c) Điều kiện cho hưởng miễn trừ không còn.

    Điều 38. Khiếu nại quyết định liên quan đến việc cho hưởng miễn trừ

    Doanh nghiệp không đồng ý với quyết định cho hưởng miễn trừ hoặc không cho hưởng miễn trừ, quyết định bãi bỏ quyết định cho hưởng miễn trừ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

    -------------------------------------------------------------------------
    Tên văn bản: Luật Cạnh tranh - Luật 27/2004/QH11
    Số hiệu: 27/2004/QH11
    Ngày ban hành: 03/12/2004
    Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/07/2005. Còn hiệu lực .
    Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
    Người ký: Nguyễn Văn An - Chủ tịch Quốc hội

    Tài file văn bản toàn văn Luật Cạnh tranh - Luật 27/2004/QH11

    Luật Cạnh tranh

    Luật Cạnh tranh

    Luật Cạnh tranh

    Trở về

    Bài nổi bật chuyên mục

      Văn phòng luật sư

      2

      Văn phòng luật sư Tân Hà

      Tư vấn đầu tư; Tư vấn thuế, tài chính; Tư vấn hợp đồng; Tư vấn lao động; Tư vấn thu hồi công nợ;...

      4

      Văn phòng Luật sư Leadco

      Luật sư doanh nghiệp; Tư vấn Hợp đồng; Mua bán & Sát nhập; Tài chính - Ngân hàng; Hàng không, Bảo hiểm, Viễn Thông,...

      5

      Công ty Luật VIKO & Cộng sự

      Tư vấn đất đai, bất động sản; Thành lập doanh nghiệp; Soạn thảo hợp đồng; Tư vấn thuế; Tư vấn, lập dự án đầu tư,... 

      6

      Công ty Luật Khai Phong

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn dự án đầu tư nước ngoài, Tư vấn về khai khoáng, năng lượng, viễn thông,...

      7

      Công Ty Luật Hoàng Minh

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn thuế, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn chứng khoán, tài chính, ngân hàng...

      8

      Công ty Luật SPVN

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ kế toán doanh nghiệp,...

      10

      Văn Phòng Luật Sư Trường Giang

      Tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn pháp luật dân sự ( di chúc, hôn nhân,...)
      Trưởng Văn Phòng : Luật sư. Thạc sĩ luật Lê Đăng Tùng

      11

      Văn phòng luật sư Việt An

      Tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật dân sự, tư vấn thuế,...

      12

      Công Ty Luật VLG

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn hợp đồng và kinh doanh quốc tế, tư vấn sở hữu trí tuệ,...
      Giám đốc kiêm Luật sư điều hành: Vũ Trọng Hưng