Bộ luật lao động - Chương 5: Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể

    Chương V

    ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC, THƯƠNG LƯỢNG TẬP THỂ, THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

    Mục 1

    ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC

    Điều 63. Mục đích, hình thức đối thoại tại nơi làm việc

    1. Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc.

    2. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

    3. Người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ.

    Điều 64. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc

    1. Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

    2. Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.

    3. Điều kiện làm việc.

    4. Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.

    5. Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.

    6. Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

    Điều 65. Tiến hành đối thoại tại nơi làm việc

    1. Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên.

    2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc.

    Mục 2

    THƯƠNG LƯỢNG TẬP THỂ

    Điều 66. Mục đích của thương lượng tập thể

    Thương lượng tập thể là việc tập thể lao động thảo luận, đàm phán với người sử dụng lao động nhằm mục đích sau đây:

    1. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ;

    2. Xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thoả ước lao động tập thể;

    3. Giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

    Điều 67. Nguyên tắc thương lượng tập thể

    1. Thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc thiện chí, bình đẳng, hợp tác, công khai và minh bạch.

    2. Thương lượng tập thể được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất.

    3. Thương lượng tập thể được thực hiện tại địa điểm do hai bên thỏa thuận.

    Điều 68. Quyền yêu cầu thương lượng tập thể

    1. Mỗi bên đều có quyền yêu cầu thương lượng tập thể, bên nhận được yêu cầu không được từ chối việc thương lượng. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng, các bên thoả thuận thời gian bắt đầu phiên họp thương lượng.

    2. Trường hợp một bên không thể tham gia phiên họp thương lượng đúng thời điểm bắt đầu thương lượng theo thỏa thuận, thì có quyền đề nghị hoãn, nhưng thời điểm bắt đầu thương lượng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể.

    3. Trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại Điều này thì bên kia có quyền tiến hành các thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.

    Điều 69. Đại diện thương lượng tập thể

    1. Đại diện thương lượng tập thể được quy định như sau:

    a) Bên tập thể lao động trong thương lượng tập thể phạm vi doanh nghiệp là tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; thương lượng tập thể phạm vi ngành là đại diện Ban chấp hành công đoàn ngành;

    b) Bên người sử dụng lao động trong thương lượng tập thể phạm vi doanh nghiệp là người sử dụng lao động hoặc người đại diện cho người sử dụng lao động; thương lượng tập thể phạm vi ngành là đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ngành.

    2. Số lượng người tham dự phiên họp thương lượng của mỗi bên do hai bên thoả thuận.

    Điều 70. Nội dung thương lượng tập thể

    1. Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương.

    2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca.

    3. Bảo đảm việc làm đối với người lao động.

    4. Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động.

    5. Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

    Điều 71. Quy trình thương lượng tập thể

    1. Quy trình chuẩn bị thương lượng tập thể được quy định như sau:

    a) Trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể ít nhất 10 ngày, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi tập thể lao động yêu cầu trừ những bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động;

    b) Lấy ý kiến của tập thể lao động.

    Đại diện thương lượng của bên tập thể lao động lấy ý kiến trực tiếp của tập thể lao động hoặc gián tiếp thông qua hội nghị đại biểu của người lao động về đề xuất của người lao động với người sử dụng lao động và các đề xuất của người sử dụng lao động với tập thể lao động;

    c) Thông báo nội dung thương lượng tập thể.

    Chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể, bên đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể.

    2. Quy trình tiến hành thương lượng tập thể được quy định như sau:

    a) Tổ chức phiên họp thương lượng tập thể.

    Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng tập thể theo thời gian, địa điểm do hai bên đã thỏa thuận.

    Việc thương lượng tập thể phải được lập biên bản, trong đó phải có những nội dung đã được hai bên thống nhất, thời gian dự kiến ký kết về các nội dung đã đạt được thoả thuận; những nội dung còn ý kiến khác nhau;

    b) Biên bản phiên họp thương lượng tập thể phải có chữ ký của đại diện tập thể lao động, của người sử dụng lao động và của người ghi biên bản.

    3. Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp thương lượng tập thể, đại diện thương lượng của bên tập thể lao động phải phổ biến rộng rãi, công khai biên bản phiên họp thương lượng tập thể cho tập thể lao động biết và lấy ý kiến biểu quyết của tập thể lao động về các nội dung đã thoả thuận.

    4. Trường hợp thương lượng không thành một trong hai bên có quyền tiếp tục đề nghị thương lượng hoặc tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này.

    Điều 72. Trách nhiệm của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong thương lượng tập thể

    1. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể cho người tham gia thương lượng tập thể.

    2. Tham dự phiên họp thương lượng tập thể nếu có đề nghị của một trong hai bên thương lượng tập thể.

    3. Cung cấp, trao đổi các thông tin liên quan đến thương lượng tập thể.

    Mục 3

    THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

    Điều 73. Thỏa ước lao động tập thể

    1. Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

    Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.

    2. Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

    Điều 74. Ký kết thỏa ước lao động tập thể

    1. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động.

    2. Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và:

    a) Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;

    b) Có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành;

    c) Đối với hình thức thỏa ước lao động tập thể khác theo quy định của Chính phủ.

    3. Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.

    Điều 75. Gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước

    Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến:

    1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.

    2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể khác.

    Điều 76. Ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể

    Ngày có hiệu lực của thoả ước lao động tập thể được ghi trong thoả ước. Trường hợp thoả ước lao động tập thể không ghi ngày có hiệu lực thì có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết.

    Điều 77. Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể

    1. Các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể trong thời hạn sau đây:

    a) Sau 03 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn dưới 01 năm;

    b) Sau 06 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

    2. Trong trường hợp quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật, thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực.

    Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    3. Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được tiến hành như việc ký kết thoả ước lao động tập thể.

    Điều 78. Thoả ước lao động tập thể vô hiệu

    1. Thoả ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thoả ước trái pháp luật.

    2. Thoả ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Có toàn bộ nội dung trái pháp luật;

    b) Người ký kết không đúng thẩm quyền;

    c) Việc ký kết không đúng quy trình thương lượng tập thể.

    Điều 79. Thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

    Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

    Điều 80. Xử lý thoả ước lao động tập thể vô hiệu

    Khi thoả ước lao động tập thể bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong thoả ước tương ứng với toàn bộ hoặc phần bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo quy định của pháp luật và các thoả thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động.

    Điều 81. Thoả ước lao động tập thể hết hạn

    Trong thời hạn 03 tháng trước ngày thoả ước lao động tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thoả ước lao động tập thể hoặc ký kết thoả ước lao động tập thể mới.

    Khi thoả ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thoả ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.

    Điều 82. Chi phí thương lượng tập thể, ký kết thoả ước lao động tập thể

    Mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thoả ước lao động tập thể do người sử dụng lao động chi trả.

    Mục 4

    THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ DOANH NGHIỆP

    Điều 83. Ký kết thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp

    1. Người ký kết thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp được quy định như sau:

    a) Bên tập thể lao động là đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

    b) Bên người sử dụng lao động là người sử dụng lao động hoặc người đại diện của người sử dụng lao động.

    2. Thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp phải làm thành 05 bản, trong đó:

    a) Mỗi bên ký kết giữ 01 bản;

    b) 01 bản gửi cơ quan nhà nước theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật này;

    c) 01 bản gửi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 01 bản gửi tổ chức đại diện người sử dụng lao động mà người sử dụng lao động là thành viên.

    Điều 84. Thực hiện thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp

    1. Người sử dụng lao động, người lao động, kể cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực có trách nhiệm thực hiện đầy đủ thoả ước lao động tập thể.

    2. Trong trường hợp quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thoả ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn các quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể, thì phải thực hiện những quy định tương ứng của thoả ước lao động tập thể. Các quy định của người sử dụng lao động về lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể, thì phải được sửa đổi cho phù hợp với thoả ước lao động tập thể trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực.

    3. Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thoả ước lao động tập thể, thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thoả ước và hai bên phải cùng nhau xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

    Điều 85. Thời hạn thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp

    Thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thoả ước lao động tập thể, thì có thể ký kết với thời hạn dưới 01 năm.

    Điều 86. Thực hiện thoả ước lao động tập thể trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp

    1. Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp và đại diện tập thể lao động căn cứ vào phương án sử dụng lao động để xem xét lựa chọn việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể cũ hoặc thương lượng để ký thoả ước lao động tập thể mới.

    2. Trong trường hợp thoả ước lao động tập thể hết hiệu lực do người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động thì quyền lợi của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.

    Mục 5

    THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ NGÀNH

    Điều 87. Ký kết thoả ước lao động tập thể ngành

    1. Đại diện ký kết thoả ước lao động tập thể ngành được quy định như sau:

    a) Bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn ngành;

    b) Bên người sử dụng lao động là đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động đã tham gia thương lượng tập thể ngành.

    2. Thoả ước lao động tập thể ngành phải làm thành 04 bản, trong đó:

    a) Mỗi bên ký kết giữ 01 bản;

    b) 01 bản gửi cơ quan nhà nước theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật này;

    c) 01 bản gửi công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

    Điều 88. Quan hệ giữa thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp với thoả ước lao động tập thể ngành

    1. Những nội dung của thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp hoặc quy định của người sử dụng lao động về quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp thấp hơn những nội dung được quy định tương ứng của thoả ước lao động tập thể ngành thì phải sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thoả ước lao động tập thể ngành có hiệu lực.

    2. Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thoả ước lao động tập thể ngành nhưng chưa xây dựng thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp, có thể xây dựng thêm thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của thoả ước lao động tập thể ngành.

    3. Khuyến khích doanh nghiệp trong ngành chưa tham gia thoả ước lao động tập thể ngành thực hiện thoả ước lao động tập thể ngành.

    Điều 89. Thời hạn thoả ước lao động tập thể ngành

    Thoả ước lao động tập thể ngành có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

    Tên văn bản: Bộ luật lao động - Bộ luật 10/2012/QH13
    Số hiệu: 10/2012/QH13
    Ngày ban hành: 18/06/2012
    Tình trạng hiệu lực: Có hiệu lực từ 01/05/2013. Còn hiệu lực.
    Người / Cơ quan ban hành: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
    Người ký: Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội

    Tài file văn bản toàn văn Bộ luật Lao dộng

    Bộ luật Lao động

    Bộ luật Lao động

    Bộ luật Lao động

    Trở về

    Bài nổi bật chuyên mục

      Văn phòng luật sư

      2

      Văn phòng luật sư Tân Hà

      Tư vấn đầu tư; Tư vấn thuế, tài chính; Tư vấn hợp đồng; Tư vấn lao động; Tư vấn thu hồi công nợ;...

      4

      Văn phòng Luật sư Leadco

      Luật sư doanh nghiệp; Tư vấn Hợp đồng; Mua bán & Sát nhập; Tài chính - Ngân hàng; Hàng không, Bảo hiểm, Viễn Thông,...

      5

      Công ty Luật VIKO & Cộng sự

      Tư vấn đất đai, bất động sản; Thành lập doanh nghiệp; Soạn thảo hợp đồng; Tư vấn thuế; Tư vấn, lập dự án đầu tư,... 

      6

      Công ty Luật Khai Phong

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn dự án đầu tư nước ngoài, Tư vấn về khai khoáng, năng lượng, viễn thông,...

      7

      Công Ty Luật Hoàng Minh

      Luật sư doanh nghiệp, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn thuế, Tư vấn mua bán sát nhập doanh nghiệp, Tư vấn chứng khoán, tài chính, ngân hàng...

      8

      Công ty Luật SPVN

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn doanh nghiệp, dịch vụ kế toán doanh nghiệp,...

      10

      Văn Phòng Luật Sư Trường Giang

      Tư vấn soạn thảo hợp đồng, Tư vấn sở hữu trí tuệ, Tư vấn pháp luật dân sự ( di chúc, hôn nhân,...)
      Trưởng Văn Phòng : Luật sư. Thạc sĩ luật Lê Đăng Tùng

      11

      Văn phòng luật sư Việt An

      Tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật dân sự, tư vấn thuế,...

      12

      Công Ty Luật VLG

      Tư vấn đầu tư nước ngoài, tư vấn hợp đồng và kinh doanh quốc tế, tư vấn sở hữu trí tuệ,...
      Giám đốc kiêm Luật sư điều hành: Vũ Trọng Hưng